Qua nhiều năm triển khai trong thực tiễn, Công ty cổ phần Bê tông Đường Thủy đã thành công trong việc tìm ra giải pháp cung cấp bê tông tươi cho các công trình ở những vị trí gần bờ và trên biển.
Tạo lối đi riêng
Để tận dụng hệ thống giao thông đường thủy dọc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Công ty cổ phần Bê tông Đường Thủy đã thử nghiệm và hoàn thiện giải pháp “Trạm trộn bê tông có thể nâng hoặc hạ độ cao, được lắp đặt trên phương tiện thủy” để cung cấp bê tông tươi cho các công trình ở những vị trí địa lý, địa hình mà các trạm cấp bê tông trên bờ khó khăn cung cấp đến.
Ông Phạm Thanh Tú-Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông Đường Thủy cho biết, các hệ thống trạm trộn hiện nay đa số là trạm trên bờ lắp đặt xuống phao nổi; còn trạm trộn bê tông Đường Thủy có đặc điểm nổi bật là hệ thống trạm trộn được tập hợp gọn trong 01 phương tiện vận chuyển trên đường thủy, hệ thống silo chứa xi măng nằm ngang, có khả năng nâng/hạ các thiết bị của trạm trộn để linh hoạt điều chỉnh giảm độ cao của trạm và hạ thấp toàn bộ thiết bị khi di chuyển trên sông, biển; dễ di chuyển qua các cầu có độ tĩnh không thấp 3m, các vùng có mớn nước cạn, đặc biệt trọng tâm của tàu chở trạm trộn bê tông được hạ thấp, làm tăng tính cân bằng, giảm độ ảnh hưởng của sóng nước và ổn định khi di chuyển.
Khi hoạt động, trạm được nâng lên độ cao 9 mét bằng hệ thống thuỷ lực, trạm di chuyển đi thì độ cao hạ xuống còn lại 3m.
Cấp bê tông khối lớn liên tục với khoảng cách xa.
Hệ thống trạm trộn được lắp đặt trên các phương tiện vận chuyển đường thuỷ không chỉ giúp cấp bê tông liên tục với khối lượng lớn ở những khu vực gần kênh, rạch, sông với khoảng cách xa từ 500-700m, mà còn giúp làm giảm áp lực lưu lượng xe lưu thông đường bộ rất đáng kể, tránh gây ùn tắc trên đường bộ, giảm hư hại về đường bộ, giảm tiếng ổn và ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư đô thị do không sử dụng xe chuyên chở bê tông tạo ra bụi đường, cũng như trong quá trình tập kết nguyên vật liệu cho trạm trộn, do vận chuyển cát, đá lên xuống bãi tập kết vật liệu. Đặc biệt là giảm được lượng bụi nhẹ lơ lửng trong không khí gây nguy hại cho sức khoẻ.
Không ngừng cải tiến công nghệ
Công ty cổ phần Bê tông Đường Thủy đang sở hữu 5 hệ thống trạm trộn bê tông tự động nâng hạ, với 2 trạm công suất 60m³/giờ, 2 trạm công suất 90m³/giờ, và 01 trạm công suất 180m³/giờ với khả năng cấp liên tục 400m³ bê tông trên biển mà không cần tiếp liệu, đã tiếp tục cải tiến và không ngừng nghiên cứu để hoàn thiện tiếp trạm bê tông đường thủy đôi công suất 180m³/giờ cùng khả năng cấp liên tục 800m³ bê tông trên biển mà không cần tiếp liệu.
Cấp bê tông dự án cống Âu Thuyền Ninh Quới, tỉnh Bạc Liêu.
Các công trình điển hình mà Công ty cổ phần Bê tông Đường Thủy đã tham gia như: hệ thống cống ngăn mặn thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Vĩnh Long; Các đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn thuộc các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau; Các cầu của tỉnh Sóc Trăng; Các Turbine điện gió trên biển; và Âu thuyền Ninh Quới, tỉnh Bạc Liêu.
Cấp bê tông dự án điện gió số 05, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Công ty cũng được đối tác chọn là đơn vị cung cấp bê tông tươi cho các nhà máy điện gió trên biển, công trình trọng điểm quốc gia như: dự án điện gió Sóc Trăng 7, TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; dự án điện gió số 05, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre; dự án Cầu Mỹ Thuận 2, dự án Xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè…
Ông Đồng Văn Hạ-Phó Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Trung Nam 18 E&C cho biết, hợp tác với Công ty cổ phần bê tông Đường Thủy vài dự án tiêu biểu như dự án cầu Mỹ Thuận II, dự án cầu Mỏ Nhát. Tại dự án cầu Mỹ Thuận II, tính trung bình đổ 200m³ bê tông trong 1 giờ với điều kiện thi công khắc nghiệt dòng sông nước chảy siết, nước sâu; dự án cầu Mỏ Nhát, điều kiện thi công cũng rất khắc nghiệt: nằm ở cửa biển, thủy triều lên xuống chênh cao và lớn, nhưng ở cả 2 dự án không để xảy ra bất cứ một sự cố nhỏ, chất lượng bê tông, vật liệu đầu vào rất chuẩn chỉ, sản phẩm đạt theo yêu cầu của các dự án.
Cấp bê tông cọc khoan nhồi đường kính 2,5m, sâu 115m.
Giải pháp “Trạm trộn bê tông có thể nâng hoặc hạ độ cao, được lắp đặt trên phương tiện thủy” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế và được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận đề tài khoa học cấp tỉnh cho công nghệ trạm trộn trên biển.